Sáng ngày 08/3/2024, Đại diện Khoa Điện và Tổng công ty Điện lực miền Trung EVNCPC đã tham gia buổi nghiệm thu đề tài KHCN do EVNCPC tổ chức về “Nghiên cứu, đánh giá ảnh hưởng của sóng hài đối với điện mặt trời mái nhà kết nối với lưới phân phối (phía hạ áp)” với đồng chủ nhiệm đề tài TS. Nguyễn Kim Ánh – Khoa Điện và ông Nguyễn Văn Khánh – EVNCPC. Buổi nghiệm thu đề tài do Ban Kinh doanh EVNCPC chủ trì.
Tham dự buổi nghiệm thu đề tài, về phía EVNCPC gồm có ông Lê Hoàng Anh Dũng – Phó Tổng Giám đốc EVNCPC, ông Hoàng Ngọc Hoài Quang – Trưởng ban Kỹ thuật, ông Trần Văn Gia – Trưởng ban Kinh doanh và đại diện các ban trực thuộc EVNCPC. PGS. TS. Dương Minh Quân – Phó Trưởng ban công tác học sinh, sinh viên, ĐHĐN; ông Hoàng Đăng Nam – Trưởng phòng Điều độ, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng; ông Trần Minh Tuấn – Phó trưởng phòng R&D của CPCEMEC tham gia với vai trò ủy viên phản biện của hội đồng. Về phía Khoa Điện, đoàn tham dự gồm có PGS. TS. Lê Đình Dương – Phó Trưởng khoa Điện, phụ trách mảng Khoa học Công nghệ và Hợp tác doanh nghiệp, TS. Nguyễn Kim Ánh, TS. Trương Thị Bích Thanh, TS. Trần Thái Anh Âu, TS. Ngô Đình Thanh và TS. Nguyễn Thị Kim Trúc.
Tại buổi làm việc, TS. Nguyễn Kim Ánh đã đại diện nhóm nghiên cứu báo cáo kết quả của đề tài trước hội đồng nghiệm thu. Đề tài này đã đưa ra một giải pháp tổng thể cùng với một loại các khuyến cáo cho việc xây dựng mô hình lưới điện phân phối (cấp trung và hạ áp) gần nhất với lưới thực của các Công ty Điện Lực nhằm tái hiện lại sự thâm nhập của sóng hài phát ra từ các phụ tải phi tuyến và các hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) phân tán dựa trên phần mềm mô phỏng hệ thống điện PSS@SINCAL của SIEMENS.
Mô hình này cho phép các Công ty Điện Lực có thể tính toán, phân tích và đánh giá trào lưu công suất, điện áp, độ méo dạng tổng của sóng hài dòng điện và điện áp, các sóng hài thành phần,… tại bất kỳ điểm PCC nào trên lưới điện phân phối.
Những kết quả này không những cho phép đánh giá chất lượng điện năng của lưới điện hiện tại mà còn cho phép Nhà quản lý có thể ước lượng được một lượng công suất ĐMTMN tối đa mà một xuất tuyến có thể tiếp nhận được trong tương lai mà chất lượng điện năng (sóng hài và điện áp đầu xuất tuyến) của nó không bị vượt quá các ngưỡng cho phép của Thông tư 30/2019/TT-BCT của Bộ Công thương.
Ngoài ra đề tài này cũng cung cấp các lý thuyết nền tảng và các định hướng ứng dụng liên quan đến các chủ đề: sóng hài, hiện tượng cộng hưởng, hậu quả mà sóng hài có thể tác động đến các thiết bị điện đặc biệt là máy biến áp, bản chất phát sinh sóng hài của các hệ thống ĐMTMN và tải phi tuyến trong công nghiệp cũng như dân dụng.
Đề tài đã nhận được sự đánh giá cao của Hội Đồng nghiệm thu được tổ chức bởi EVNCPC và có thể áp dụng vào các công tác QLVH, QLKT, dịch vụ khách hàng,… tại các Công ty điện lực thành viên để đánh giá chất lượng điện năng và khả năng tiếp nhận ĐMTMN của từng xuất tuyến trên lưới điện phân phối.
Hướng tới tương lai, EVNCPC và Khoa Điện có thể cùng nhau khởi xướng các dự án nghiên cứu và phát triển (R&D) mới, tập trung vào các vấn đề cấp bách của lưới điện và năng lượng tái tạo, bao gồm quản lý và lưu trữ năng lượng, tối ưu hóa sự kết nối giữa các nguồn điện tái tạo với lưới điện, và phát triển các giải pháp điện thông minh, giúp thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững và hiệu quả của ngành điện. Sự hợp tác này không chỉ góp phần vào việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới mà còn hỗ trợ EVNCPC trong việc đạt được mục tiêu giảm phát thải và phát triển năng lượng sạch, bền vững cho miền Trung và cả nước.
Chúc cho mối quan hệ hợp tác giữa Khoa Điện và Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) sẽ ngày càng được củng cố và phát triển mạnh mẽ, đem lại những giải pháp sáng tạo, bền vững cho hệ thống điện và đóng góp vào mục tiêu phát triển năng lượng sạch, an toàn cho tương lai của chúng ta.