Lịch sử hình thành và phát triển

Ngày 11 tháng 7 năm 1975, Ủy ban Nhân dân Cách mạng khu Trung Trung Bộ thành lập Viện Đại học Đà Nẵng theo quyết định số 66/QĐ, tiếp quản cơ sở Viện Đại học cộng đồng Quảng Đà tại số nhà 24 Trần Phú, Đà Nẵng. Khoa Điện là một trong 4 khoa đầu tiên của Viện Đại học Đà Nẵng. Ban đầu Viện Đại học Đà Nẵng bao gồm Ban điều hành và 4 khoa: Khoa Điện, Khoa Cơ khí, Khoa Kinh tế, Khoa Cơ bản – Dự bị đại học.

Tháng 10 năm 1976, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 426/TTg thành lập trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng trên cơ sở của Viện Đại học Đà Nẵng.

Khoá sinh viên đầu tiên của Trường được nhập học vào ngày 25 tháng 2 năm 1976. Sau thời gian học tập chính trị và sinh hoạt cộng đồng, Nhà trường phân bổ về các Khoa Cơ khí, Khoa Điện và Khoa Kinh tế. Khoá 1 của khoa gồm 2 lớp 75Đ1 và 75Đ2 có 95 sinh viên.

Ban đầu đội ngũ cán bộ giảng dạy của khoa chưa đến 10 người nhưng với quyết tâm đào tạo chất lượng ngay từ khóa đầu tiên để làm mẫu cho các khóa tiếp theo nên thầy Tăng Thiên Tư cùng các thầy trong ban lãnh đạo của khoa đã quyết định mời các Giảng viên ở Khoa Điện trường Đại học Bách khoa Hà Nội tham gia giảng dạy hầu hết các môn học trong chương trình đào tạo của sinh viên khóa 1975 nhưng không theo mô hình ngành hẹp của trường Đại học Bách khoa Hà Nội mà theo mô hình đào tạo ngành rộng được tham khảo từ xu thế đào tạo của thế giới, từ thực tế đào tạo ở Việt Nam và yêu cầu của ngành Điện những năm đầu sau giải phóng. Ngoài ra việc mời các thầy giáo có uy tín, năng lực chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm trong các lĩnh vực ở trường Đại học Bách khoa Hà Nội vào tham gia giảng dạy cũng là dịp để trao đổi học thuật, nâng cao năng lực chuyên môn, phục vụ tốt cho công tác giảng dạy cho các cán bộ giảng dạy của khoa.

Về cơ cấu khoa, bộ môn và cơ cấu ngành nghề, Khoa Điện luôn quan tâm đến sự gọn nhẹ, hiệu quả, hướng đến sự phát triển trong tương lai. Ban đầu Khoa Điện bao gồm 4 bộ môn là Bộ môn Phát dẫn điện - Điện khí hóa, Bộ môn Thiết bị điện, Bộ môn Nhiệt kỹ thuật, Bộ môn Mạch - Đo lường - Điện tử và 1 Xưởng điện.

Đến năm 1988, Bộ môn Nhiệt kỹ thuật tách ra khỏi Khoa Điện và cùng với bộ môn Động lực hợp thành Khoa Năng lượng, sau này hình thành Khoa Công nghệ Nhiệt – Điện lạnh như ngày nay.

Năm 1995, một nhóm chuyên môn trong Bộ môn Mạch - Điện tử tách ra kết hợp với tổ Tin học của Trường hình thành Khoa Công nghệ thông tin & Điện tử Viễn thông, sau này tiếp tục phát triển và tách ra để hình thành Khoa Công nghệ thông tin và Khoa Điện tử - Viễn thông như hiện nay.

Trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, những thế hệ thầy và trò của Khoa Điện không ngừng lớn mạnh và trưởng thành. Khoa Điện đã vượt qua mọi khó khăn để xây dựng và phát triển, đáp ứng các yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhiệm vụ chính của Khoa Điện là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức trong lĩnh vực Kỹ thuật Điện, Kỹ thuật Điều khiển & Tự động hóa, phục vụ sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của khu vực Miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Ngày nay Khoa Điện đã trở thành một trung tâm mạnh về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức trong nước cũng như trong khu vực. Nhìn lại chặng đường 45 năm qua, Khoa Điện đã có những bước phát triển mạnh mẽ thể hiện ở các mặt sau:

1. Đội ngũ cán bộ giảng dạy

Giai đoạn lúc mới thành lập, Khoa Điện có chưa tới 10 người. Đến năm 1995, toàn khoa trình độ Tiến sĩ trở lên chỉ có 1 Phó Giáo sư, 3 Tiến sĩ. Năm 1995 khoa đã có đề xuất với Nhà trường hợp tác với trường Đại học Bách khoa Hà Nội để đào tạo Thạc sĩ cho tất cả giảng viên trong khoa với 2 ngành Mạng & Hệ thống điện và Tự động hoá. Sau đó các giảng viên này tiếp tục làm nghiên cứu sinh và trở thành Tiến sĩ, góp phần phát triển trình độ nhân lực của khoa. Kèm theo đó là từ năm 1996 khoa khuyến khích các giảng viên trẻ phấn đấu đi học tập, tu nghiệp ở nước ngoài tại các trường Đại học hàng đầu ở các nước tiên tiến trên thế giới. Sau đó, các cán bộ của khoa không ngừng phát triển trong sự nghiệp, có nhiều đóng góp trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và nhiều cán bộ giảng viên của khoa đã được công nhận đạt chuẩn và được bổ nhiệm học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư.

Đến nay đội ngũ cán bộ giảng dạy của Khoa Điện đã lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác trong thời kỳ mới. Đội ngũ cán bộ tham gia giảng dạy các chương trình đào tạo của Khoa Điện hiện nay có 48 người, trong đó có 9 Giáo sư và Phó giáo sư (chiếm tỷ lệ 19%), 29 Tiến sĩ (chiếm tỷ lệ 60%). Hầu hết cán bộ của Khoa Điện được đào tạo bài bản ở các nước tiên tiến trên thế giới như Pháp, Đức, Nga, Ý, Úc, Hà Lan, Đan Mạch, Ukraina, Séc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan,… So với các đơn vị khác trong toàn trường Đại học Bách khoa nói riêng cũng như toàn Đại học Đà Nẵng nói chung, đội ngũ cán bộ Khoa Điện luôn nằm trong nhóm dẫn đầu về tỷ lệ cán bộ có học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư và học vị Tiến sĩ.

Hình 1 -Tập thể cán bộ Khoa Điện

Trong chiến lược phát triển Khoa Điện trong thời gian đến, Khoa Điện phấn đấu nâng cao số cán bộ có học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư, 100% cán bộ giảng dạy có học vị Tiến sĩ như các khoa trong các trường đại học hàng đầu ở khu vực và trên thế giới. Khoa Điện luôn chú trọng công tác đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ.

 2. Công tác đào tạo và đảm bảo chất lượng

Thời kỳ đầu, do những yêu cầu và đặc điểm kinh kế xã hội của khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, Khoa Điện đào tạo kỹ sư ngành Điện kỹ thuật (ngành có tên gọi Kỹ thuật Điện hiện nay) theo hướng chuyên ngành rộng. Chương trình đào tạo được xây dựng và hoàn thiện từng bước từ năm 1975. Năm học 1992-1993 Khoa Điện thực hiện đề tài cấp Bộ “Đào tạo kỹ sư Điện kỹ thuật ngành rộng” trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm thực tế đào tạo từ 1975, khảo nghiệm sự phù hợp với thực tế sản suất của sinh viên ra trường làm việc ở các đơn vị trong ngành Điện, đối sánh với hàng chục chương trình đào tạo của các nước tiên tiến như Đức, Mỹ, Pháp... Đề tài giúp phát triển tốt hơn chương trình đào tạo hiện hành. Qua từng giai đoạn, Khoa Điện đã tổ chức điều chỉnh, sửa đổi chương trình đào tạo, nội dung của các môn học, phương pháp giảng dạy để phù hợp hơn với sự phát triển của khoa học công nghệ và yêu cầu thực tiễn của sản xuất. Các chương trình đào tạo được cải tiến hướng theo các chuẩn quốc tế, chú trọng đào tạo người học vừa có chiều sâu về kiến thức, kỹ năng chuyên môn vừa có chiều rộng về kỹ năng và khả năng cộng tác với các chuyên gia trong các lĩnh vực khác.

Hiện nay, Khoa Điện có 2 ngành đào tạo ở tất cả các bậc từ Đại học đến bậc Sau đại học bao gồm Thạc sĩ và Tiến sĩ: ngành Kỹ thuật Điện và ngành Kỹ thuật Điều khiển & Tự động hóa. Quá trình xây dựng và phát triển của các chương trình đào tạo của Khoa Điện được mô tả như sơ đồ Hình 2

Hình 2 - Quá trình xây dựng và phát triển của các chương trình đào tạo của Khoa Điện

Để nâng cao chất lượng đào tạo, từ năm 2018 đến nay, song song với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học và thí nghiệm thực hành, trường Đại học Bách khoa nói chung và Khoa Điện nói riêng triển khai mô hình Dạy học qua dự án (Project-based Learning - PBL). PBL được đánh giá là phương pháp phù hợp giúp sinh viên khối ngành kỹ thuật phát triển tốt các kỹ năng, các dự án đặt sinh viên vào những vai trò học tập tích cực như: Giải quyết vấn đề, ra quyết định, điều tra nghiên cứu tổng thể, đề xuất giải pháp, đánh giá hiệu quả của giải pháp, trình bày hay viết báo cáo. Ngoài ra, để sinh viên tiếp cận hơn nữa với thực tế lao động sản xuất tại các doanh nghiệp bên ngoài Nhà trường, Khoa Điện triển khai mạnh mẽ cho sinh viên năm cuối làm đồ án tốt nghiệp theo hình thức Capstone Project, đây là hình thức làm đồ án tốt nghiệp dưới sự đồng hướng dẫn của một cán bộ trong Khoa và một cán bộ có kinh nghiệm ở doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề thực tế đặt ra cụ thể tại chính doanh nghiệp mà sinh viên tham gia thực tập tốt nghiệp và làm đồ án tốt nghiệp. Capstone Project được đánh giá đem lại lợi ích thiết thực cho cả ba bên: Doanh nghiệp, sinh viên và Khoa Điện.

Quy mô đào tạo của khoa hiện nay là hơn 2.000 sinh viên, 400 học viên cao học và 15 nghiên cứu sinh. Trải qua lịch sử 45 năm, Khoa Điện đã đào tạo được hơn 14.000 Kỹ sư, gần 1 ngàn Thạc sĩ và 14 Tiến sĩ. Các cựu sinh viên của Khoa Điện đã và đang làm việc tại các đơn vị sự nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, nhà máy,… trên khắp cả nước và cả ở nước ngoài, đã phát huy tốt vai trò của mình, góp phần tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các cựu sinh viên, cựu học viên và nghiên cứu sinh do Khoa Điện đào tạo có đủ năng lực, kiến thức và kỹ năng để tiếp cận với các công nghệ hiện đại, thực hiện các nhiệm vụ sản xuất trong thực tiễn, được các đơn vị sử dụng lao động đánh giá cao. Rất nhiều cựu sinh viên của Khoa Điện đã và đang nắm giữ các vị trí quan trọng trong nhà trường, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Hình 3 - Thống kê số lượng sinh viên Đại học và học viên Sau đại học của Khoa Điện qua các năm

3. Công tác đảm bảo chất lượng

Đi đôi với đào tạo, công tác đảm bảo chất lượng cũng được quan tâm đúng mức. Khoa Điện là một trong hai khoa đầu tiên của trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng thực hiện tự đánh giá chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN-QA (ASEAN University Network - Quality Assurance) cho ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử trình độ đại học (nay là ngành Kỹ thuật Điện). Sau một quá trình tự đánh giá và cải tiến, hoàn thiện, chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử trình độ đại học đáp ứng tốt các tiêu chí của tiêu chuẩn AUN-QA và đã được trao Chứng nhận đạt chuẩn quốc tế AUN-QA vào năm 2018. Đây là tiêu chuẩn kiểm định chất lượng đào tạo của mạng lưới các trường đại học trong khu vực Đông Nam Á. Việc đạt được chuẩn AUN-QA đã khẳng định với quốc tế về chất lượng đào tạo của Khoa Điện trong tình hình hội nhập của giáo dục đại học trong khu vực Đông Nam Á và giúp sinh viên có thể cạnh tranh khi thị trường lao động trong cộng đồng các nước ASEAN được mở cửa. Hiện nay, chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Điều khiển & Tự động hóa trình độ đại học cũng đang phấn đấu hoàn chỉnh để thực hiện kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn AUN-QA vào năm 2021. Trong giai đoạn phát triển sắp đến, nhiệm vụ đặt ra sẽ ngày càng nặng nề, đòi hỏi Khoa Điện phải liên tục đổi mới chương trình đào tạo, nội dung, phương pháp giảng dạy theo hướng chuẩn hóa, hiện đại nhằm tiến đến đạt được các chuẩn quốc tế cao hơn như ABET (Accreditation Board for Engineering and Technology) của Mỹ.

Hình 4 - Chứng nhận đạt chuẩn quốc tế AUN của ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử, Khoa Điện

Ngoài các chương trình đào tạo ở bậc đại học, các chương trình đào tạo sau đại học bao gồm Thạc sĩ và Tiến sĩ cũng được quan tâm xây dựng, cải tiến để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng những yêu cầu trong tình hình hiện nay cũng như trong tương lai và tiến đến kiểm định quốc tế để khẳng định chất lượng.

Hàng năm, Khoa Điện triển khai khảo sát lấy ý kiến từ các bên liên quan như cựu sinh viên, doanh nghiệp và nhà tuyển dụng, giảng viên, sinh viên về chương trình đào tạo, tình hình việc làm của các sinh viên mới tốt nghiệp và cựu sinh viên, chất lượng sản phẩm đào tạo của Khoa Điện để từ đó có cơ sở để cải tiến công tác đào tạo nói chung và chương trình đào tạo nói riêng nhằm đáp ứng các yêu cầu hiện nay của thị trường lao động trong nước cũng như quốc tế.

 4. Cơ sở vật chất

Trong bối cảnh đất nước vừa mới giải phóng, cơ sở vật chất giai đoạn ban đầu lúc mới thành lập Khoa hết sức khó khăn, văn phòng làm việc ban đầu chưa có phải làm việc tạm thời ở cơ sở 24 Trần Phú thành phố Đà Nẵng, trang thiết bị và điều kiện phục vụ cho thí nghiệm, thực hành, thực tập của sinh viên còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, Khoa Điện phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, các cán bộ của khoa tự nghiên cứu, tìm tòi, phát huy hết mọi điều kiện về con người và mối quan hệ với các đơn vị bên ngoài để xây dựng các phòng thí nghiệm cho sinh viên. Các cán bộ khoa kết nối, tạo mối quan hệ tốt với các nhà máy, xí nghiệp điện, các điện lực cho sinh viên thực tập, sinh viên được đi thực tập bảo dưỡng thiết bị điện ở Quân khu 5, đi thực tập Nhà máy Thủy điện Trị An, Nhà máy Nhiệt điện Thủ Đức...

Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Khoa Điện luôn rất quan tâm đến sự cơ sở vật chất của Khoa bao gồm các văn phòng làm việc của khoa và các bộ môn, các phòng thí nghiệm, xưởng thực tập. Với sự nỗ lực của tập thể cán bộ viên chức Khoa Điện, sự quan tâm giúp đỡ của Nhà trường, cùng với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, Khoa Điện đã từng bước có được cơ sở vật chất và trang thiết bị tương đối đầy đủ, hiện đại để phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Vào năm 2013, trên cơ sở sáp nhập các phòng thí nghiệm trước đây của các bộ môn và xưởng điện, Khoa Điện đã thành lập Trung tâm Thí nghiệm Điện với mục đích để quản lý đồng bộ, nâng cao chất lượng công tác đào tạo thí nghiệm, thực hành cho sinh viên. Trung tâm Thí nghiệm Điện hiện nay bao gồm một tòa nhà 3 tầng với hệ thống 15 phòng thí nghiệm được trang bị các thiết bị hiện đại, 1 xưởng điện và 1 bãi thực tập ngoài trời phục vụ hiệu quả hoạt động học tập và nghiên cứu của sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Trong những năm qua, bên cạnh sự đầu tư của Nhà trường, Khoa Điện đã nhận được nhiều sự hỗ trợ trong việc trang bị thêm các thiết bị phục vụ thí nghiệm từ các doanh nghiệp như Tổng công ty Điện Lực miền Trung (EVNCPC), Công ty Truyền tải điện 2, Tập đoàn Tuấn Ân, Công ty ATS/SEL, Công ty Công nghệ thông tin Điện lực miền Trung (CPC-IT), Toshiba, Texas Instruments, Schneider Electric, Mitsubishi Electric, Siemens, ABB, Phoenix Contact, ... Trong thời gian đến, Khoa Điện có kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh đề xuất với Nhà trường, tìm kiếm vận động sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp để trang bị thêm, hiện đại hóa trang thiết bị nhằm hoàn thiện cơ sở vật chất cho các phòng thí nghiệm hiện có; xây dựng phòng thí nghiệm mới theo mô hình Không gian sáng tạo (Maker Space) phục vụ sinh viên học tập qua các dự án; xây dựng các phòng nghiên cứu - thí nghiệm chuyên ngành như phòng thí nghiệm kỹ thuật robot, phòng thí nghiệm năng lượng tái tạo..; nâng cấp trang thiết bị của xưởng điện nhằm phục vụ hiệu quả cho quá trình thực tập nhận thức và thực tập công nhân của sinh viên.

5. Công tác nghiên cứu khoa học

Hoạt động NCKH của Khoa Điện bao gồm cả hoạt động của cán bộ và sinh viên. Cán bộ của Khoa đã thực hiện rất nhiều đề tài NCKH các cấp, từ cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Đại học Đà Nẵng, cấp trường Đại học Bách khoa. Bên cạnh đó, các công bố khoa học của các cán bộ trong khoa ngày càng tăng lên về số lượng và càng nâng cao về chất lượng. Trong 5 năm gần đây cán bộ Khoa Điện đã công bố 304 bài báo khoa học trong đó đặc biệt có 101 bài báo khoa học công bố trên các tạp chí khoa học uy tín của thế giới, thuộc các danh mục SCIE, ISI/WoS, Scopus... Khoa Điện là một trong những khoa đứng đầu của trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng về số lượng công bố quốc tế. Để ghi nhận sự đóng góp về mặt khoa học của các bài báo khoa học uy tín, ngoài sự khen thưởng, hỗ trợ của Nhà trường, Đại học Đà Nẵng và Bộ Giáo dục & Đào tạo, hàng năm Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng xét chọn và khen thưởng cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học và công nghệ đặc biệt là các bài báo khoa học uy tín thuộc danh mục ISI/WoS và rất nhiều cán bộ Khoa Điện được Thành phố khen thưởng, luôn chiếm tỷ lệ cao so với các đơn vị trong trường Đại học Bách khoa cũng như Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN).

Hình 5 - Thống kê số lượng các công trình nghiên cứu các cấp của Khoa Điện

Ngoài ra, Khoa Điện cũng thường xuyên tổ chức và phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo NCKH quốc tế, quốc gia về lĩnh vực Kỹ thuật Điện, Kỹ thuật Điều khiển & Tự động hóa, Năng lượng tái tạo.

Các công trình NCKH của cán bộ Khoa Điện ngày càng được đánh giá cao cả về mặt khoa học lẫn thực tiễn, thể hiện hướng đi đúng đắn trong việc gắn đào tạo, NCKH và ứng dụng, bám sát từ yêu cầu cấp thiết trong thực tiễn, gắn kết Nhà trường và các cơ quan, doanh nghiệp. Các công trình nghiên cứu đáng chú ý như: 1) Công trình “Nghiên cứu nâng cao hiệu quả chỉ báo đường đi sự cố (Fault Passage Indicator - FPI) nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho lưới điện phân phối thông minh tại thành phố Đà Nẵng” của PGS.TS. Đinh Thành Việt và nhóm nghiên cứu thuộc Tổng Công ty Điện lực Miền Trung nằm trong danh sách 75 công trình, giải pháp khoa học và công nghệ công bố trong Sách vàng sáng tạo năm 2020; 2) Đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước do PGS. TS. Đoàn Quang Vinh chủ trì với tên gọi “Hệ thống robot tự động hàn sàn xe ben trong nhà máy sản xuất ôtô” được thực hiện thành công vào năm 2015 và đang được sử dụng tại Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (THACO), đem lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp; 3) Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn điện mặt trời và điện gió khi kết nối với hệ thống điện quốc gia khu vực miền Trung” do GS. TS. Lê Kim Hùng làm chủ nhiệm đã được Bộ Giáo dục & Đào tạo tuyển chọn thành công và triển khai thực hiện trong vòng 3 năm bắt đầu từ năm 2021 để tập trung giải quyết các vấn đề mang tính thời sự hiện nay đối với hệ thống điện quốc gia nói chung và đặc biệt là hệ thống điện khu vực miền Trung khi ngày càng có nhiều nguồn điện gió và điện mặt trời kết nối vào lưới điện.

Cùng với hoạt động NCKH của cán bộ, hoạt động NCKH của sinh viên cũng rất được Khoa Điện quan tâm. Hằng năm, Khoa Điện tổ chức Hội nghị sinh viên NCKH với số lượng và chất lượng các đề tài ngày càng tăng. Sinh viên Khoa Điện đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có chất lượng tốt, đạt được nhiều giải thưởng cao ở hội nghị nghiên cứu khoa học các cấp và nhiều lần đạt Giải thưởng Sáng tạo Kỹ thuật VIFOTEC (Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam). Bên cạnh đó, sinh viên Khoa Điện đã đạt thành tích cao tại các cuộc thi Robocon toàn quốc được tổ chức hàng năm, điển hình là đội Robocon Ngũ Hành Sơn đạt giải Nhì toàn quốc năm 2008 và đội BKD-PTC đạt giải Ba cùng giải Công nghệ toàn quốc năm 2013. Năm học 2019-2020 vừa qua, sinh viên Khoa Điện đạt Giải Nhất cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học” Đoàn trường Đại học Bách khoa năm học 2019-2020, Giải Nhất Giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học Đại học Đà Nẵng” năm học 2019-2020. Tháng 10/2020 vừa qua, sinh viên Khoa Điện đã xuất sắc giành Giải Nhất cuộc thi toàn quốc về Tự động hóa “Automation Competition 2020” tại Thành phố Hồ Chí Minh, vòng chung kết toàn quốc cuộc thi quy tụ 30 đội đến từ 5 trường đại học: Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Công Nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Lạc Hồng. Đáng chú ý, các đề tài nghiên cứu của sinh viên không chỉ dừng lại ở khía cạnh học thuật trong phạm vi trường học mà còn vươn ra cộng đồng. Trong các đợt dịch Covid-19 xảy ra tại thành phố Đà Nẵng vào cuối năm 2019 và năm 2020, nhóm sinh viên của Khoa Điện dưới sự hướng dẫn của cán bộ của Khoa đã nghiên cứu chế tạo thành công “Máy sát khuẩn tay tự động” có chất lượng tốt, được đánh giá cao về chất lượng kỹ thuật cũng như mẫu mã, phục vụ cho các cơ quan, đơn vị, các bệnh viện trong Thành phố, đặc biệt được Bệnh viện Đà Nẵng tin tưởng đặt hàng và cùng phối hợp chế tạo và sử dụng phục vụ cộng đồng. Sản phẩm này được Giám đốc Đại học Đà Nẵng tặng Giấy khen vào ngày 15/09/2020

6. Quan hệ doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ

Khoa Điện luôn tích cực trong hoạt động quan hệ doanh nghiệp và chuyển giao công nghệ. Ngay từ những giai đoạn đầu, Khoa Điện đã xác định đây là hoạt động gắn kết giữa Khoa và doanh nghiệp, giữa kiến thức trong môi trường học thuật trong trường đại học và thực tế hoạt động sản xuất bên ngoài.

Từ năm 1976 Khoa đã thiết lập được các mối quan hệ tốt đẹp với các cơ sở sản xuất ngành Điện để hợp tác NCKH, hợp tác trong lao động sản xuất, sinh viên có điều kiện thuận lợi để đi thực tập, nhận học bổng từ các doanh nghiệp bên ngoài. Để tạo điều kiện cho cán bộ và sinh viên tiếp cận với thực tế sản xuất, Khoa Điện đã đề xuất và được Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp ra Quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu Điện – Điện tử vào tháng 4/1989 do thầy Tăng Thiên Tư làm Giám đốc. Trung tâm đã phát huy tác dụng giúp cán bộ trong khoa thực hiện các hợp đồng chuyên môn với các đơn vị sản xuất bên ngoài, qua đó tăng cường kiến thức và trải nghiệm thực tế cho các cán bộ trong khoa góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, mặc khác giúp cho các cán bộ của khoa cải thiện đời sống, yên tâm hơn trong công tác.

Hiện nay Khoa Điện vẫn duy trì và tiếp tục phát triển tốt hoạt động quan hệ doanh nghiệp và chuyển giao công nghệ. Khoa thiết lập mối quan hệ bền chặt với hầu hết các đơn vị trong ngành Điện và các đơn vị về lĩnh vực Kỹ thuật Điều khiển & Tự động hóa ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Ngoài ra, khoa cũng mở rộng quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp ở các khu vực khác trong cả nước và quốc tế. Thông qua hoạt động này, khoa phát triển tốt các hoạt động khác như hoạt động NCKH thông qua các đề tài hợp tác nghiên cứu giữa khoa và doanh nghiệp, hoạt động đào tạo đặc biệt là kiến thức và trải nghiệm thực tế cho cán bộ và sinh viên, thực hiện tốt các đề tài tốt nghiệp của sinh viên theo hình thức Capstone Project, hoạt động hỗ trợ, khuyến khích sinh viên thông qua các suất học bổng có giá trị từ doanh nghiệp, ngoài ra các doanh nghiệp còn hỗ trợ cho Khoa Điện các thiết bị, phần mềm hiện đại phục vụ đào tạo.

7. Hợp tác quốc tế

Khoa Điện không ngừng xây dựng và mở rộng quan hệ quốc tế với các viện, các trường đại học lớn trên thế giới ở các lĩnh vực: Nghiên cứu khoa học, đồng hướng dẫn luận án Tiến sĩ, luận văn Thạc sĩ và đề tài tốt nghiệp sinh viên đại học, hợp tác trong công nhận chương trình đào tạo và trao đổi sinh viên theo mô hình đào tạo 3+2, cấp học bổng sau đại học cho sinh viên và giảng viên… Trước đây, mối quan hệ quốc tế với các trường đại học thường theo mô hình truyền thống Trường đại học – Trường đại học sau đó các khoa, các đơn vị trực thuộc bên dưới có mối quan hệ hợp tác với nhau, tuy nhiên nhận thấy mô hình này có một số hạn chế như chưa khai thác hết thế mạnh của Khoa Điện hiện nay đặc biệt về năng lực nghiên cứu tương đối mạnh của đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản từ các nước tiên tiến trên thế giới, thiếu sự chủ động trong tiếp cận hợp tác, khó hợp tác sâu hơn về chuyên môn… những năm gần đây Khoa Điện đẩy mạnh mô hình hợp tác trực tiếp Khoa với Khoa, Nhóm nghiên cứu với Nhóm nghiên cứu, cán bộ với cán bộ giữa Khoa Điện và đơn vị đối tác. Đáng chú ý, theo mô hình này trong những năm gần đây Khoa Điện hợp tác trực tiếp và mạnh mẽ với Khoa Điện trường Đại học Quốc gia Thành Công (NCKU) Đài Loan và thông qua đó hai bên tổ chức hội thảo, workshop thường niên để trao đổi học thuật, trường NCKU cấp học bổng toàn phần đào tạo Tiến sĩ và Thạc sĩ tại NCKU cho giảng viên và sinh viên, cựu sinh viên của khoa, các đề tài luận án Tiến sĩ, luận văn Thạc sĩ được đồng hướng dẫn bởi cán bộ của cả hai bên. Trong thời gian đến, Khoa Điện định hướng phát triển mạnh hơn mô hình này đối với các khoa, các nhóm nghiên cứu và các giáo sư ở các nước tiên tiến khác trên thế giới.

8. Công tác đoàn thể, hoạt động của cán bộ và sinh viên

Công tác đoàn thể ở khoa luôn có những bước phát triển tích cực, vững chắc. Chi bộ Khoa Điện luôn làm tốt công tác chỉ đạo xuyên suốt mọi hoạt động của khoa. Công đoàn khoa luôn đồng hành với cán bộ viên chức trong khoa trong công tác chăm lo đời sống, tuyên truyền vận động về thực hiện các đường lối chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước để cùng vượt qua những khó khăn ngay từ những ngày đầu thành lập. Trong suốt 45 năm xây dựng và phát triển, Công đoàn Khoa Điện luôn luôn là đơn vị có nhiều đóng góp cho Công đoàn Trường và Công đoàn cấp trên trong các hoạt động như: chăm lo đời sống, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Cán bộ viên chức và Người lao động (CBVC-NLĐ); Tuyên truyền, vận động đội ngũ CBVC-NLĐ về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chủ trương công tác công đoàn; về phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, góp phần thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam. Công đoàn Khoa Điện trong 5 năm qua đã nhận được những đánh giá, động viên kịp thời của Công đoàn cấp trên: “Công đoàn vững mạnh xuất sắc” trong nhiều năm liền và 2 lần vinh dự được nhận Bằng khen của Ban chấp hành Công đoàn Đại học Đà Nẵng và Công đoàn Giáo dục Việt Nam.

Phát huy trách nhiệm của Đoàn Thanh Niên là chăm lo và bảo vệ quyền lợi chính đáng của Đoàn viên, tổ chức các hoạt động tạo môi trường giáo dục, rèn luyện đoàn viên nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, Liên chi đoàn Khoa Điện luôn tăng cường tính năng động, tham gia các hoạt động phong trào, hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, sáng tạo và sinh hoạt lành mạnh cho sinh viên cùng với sự hỗ trợ đầy nhiệt huyết của Câu lạc bộ xung kích Khoa Điện. Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong sinh viên để ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào học đường. Năm học 2019-2020 vừa qua, Liên chi đoàn Khoa Điện được công nhận là “Liên chi đoàn xuất sắc dẫn đầu” của Trường Đại học Bách khoa. Trong những năm gần đây Liên chi đoàn Khoa Điện tập trung nâng cao kỹ năng mềm và khả năng NCKH của Đoàn viên Thanh niên bằng cách thường xuyên tổ chức các hội nghị chuyên đề, giao lưu nhằm đẩy mạnh phong trào học tập, nghiên cứu khoa học sáng tạo, thu hút nhiều đề tài tiềm năng. Đáng chú ý là sự ra đời Câu lạc bộ BK-Maker đã tạo ra môi trường học tập, nghiên cứu cho sinh viên và Câu lạc bộ đã giành được nhiều thành tích NCKH.

Trong suốt 45 năm qua, Khoa Điện luôn được đánh giá là một trong những khoa lớn mạnh hàng đầu của trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng. Khoa Điện đã đạt được nhiều thành tích cao trong quá trình hoạt động và vinh dự được đón nhận khen thưởng của các cấp như Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch Nước, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công thương, Bằng khen của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh và thành phố… Để có được những thành công này, bên cạnh sự phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ thầy và trò, Khoa Điện đã nhận được sự chỉ đạo và quan tâm giúp đỡ của các cấp trong trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng và của các cơ quan hữu quan, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và đặc biệt là sự hỗ trợ nhiệt tình, đầy trách nhiệm của các thế hệ cựu sinh viên, cựu học viên và nghiên cứu sinh của khoa.

Tiếp nối truyền thống vẻ vang của khoa, Thầy và Trò Khoa Điện đang nỗ lực phấn đấu để đạt nhiều thành tựu mới. Trên con đường phát triển tiếp theo, Khoa Điện phấn đấu trở thành khoa nghiên cứu trong trường đại học định hướng nghiên cứu và được công nhận đạt chuẩn quốc tế cho các chương trình đào tạo. Khoa Điện tin tưởng với truyền thống đoàn kết, thống nhất và sáng tạo của toàn thể cán bộ trong khoa, với sự ủng hộ, giúp đỡ của Nhà trường, của Đại học Đà Nẵng và các cơ quan hữu quan, Khoa Điện sẽ tiếp tục phát triển vững chắc trong thời gian tới.

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm thành lập, Khoa Điện xin chân thành cảm ơn sự chỉ đạo sâu sắc của lãnh đạo trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, sự phấn đấu và đóng góp của các thế hệ thầy cô, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, sự hỗ trợ và hợp tác của các khoa, viện nghiên cứu, các trường đại học trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, cơ quan, các đơn vị đã và đang đồng hành với Khoa Điện.

                                                                                                                                                                                                PGS. TS. Lê Tiến Dũng

                                                                                                                                                                                                      Trưởng Khoa Điện